Wednesday, November 20, 2019

Diến Hành Tết đầu tiên Bolsa, Westminster California

Thứ bảy, 1/2/2003, 00:00 (GMT+7)

Người Việt ở Mỹ đổ về California đón Tết

Ở nhiều nơi trên đất Mỹ, người Việt tụ họp để cùng vui Tết, tại Rosemead (Los Angeles), Houston (Texas), Falls Church (Virginia), San Jose (Bắc California), Portland (Oregon), đông nhất vẫn là khu vực Little Saigon (California), nơi được coi là thủ đô của người Việt ở nước ngoài.
Chợ hoa ở Little Saigon.
Chợ hoa ở Little Saigon.
Mỗi độ xuân về, Little Saigon lại có dịp đón nhiều đồng bào từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu, châu Đại dương qua, cùng một số ở trong nước sang thăm con cháu. Ngoài ra, phải kể đến những kiều bào từ các tiểu bang khác trên đất Mỹ, bấy lâu ao ước được nhìn tận mắt những con đường mà tên gọi đã trở nên quen thuộc của “Tiểu Sài Gòn" như Bolsa, Magnolia, Brookhurst, Bushard, Westminster...
Trong đêm giao thừa (đến chậm hơn so với ở Việt Nam 12-15 giờ) sẽ có hai buổi tiệc lớn do các đài phát thanh và truyền hình Việt ngữ tổ chức: một tại nhà hàng Seafood Palace 2, một tại khuôn viên trước trụ sở nhật báo Người Việt, với lời mời tham dự miễn phí dành cho các vị cao niên trên 65 tuổi. Cả hai buổi tiệc trên, ngoài thực đơn đặc biệt, còn có một chương trình mừng xuân mới, với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam tại hải ngoại. Còn trên đại lộ Bolsa, đúng 10h sáng mùng một Tết, một cuộc diễu hành truyền thống quy mô lớn sẽ diễn ra, nhằm giới thiệu nền văn hóa dân tộc Việt, với sự góp sức của đội trống các trường trung học địa phương, nhóm văn nghệ quần chúng của các cộng đồng bạn. Buổi diễu hành kéo dài 4 tiếng đồng hồ sẽ được truyền trực tiếp trên đài truyền hình Saigon. Ngoài ra, đài này còn đáp ứng nguyện vọng những khán giả muốn được đích thân lên hình chúc tết. Các đài phát thanh Little Saigon, Vietnam California Radio, Radio Bolsa, và kể cả đài phát thanh trên Internet Việt Nam Quê hương cũng sẽ dành những giờ đặc biệt chào xuân.
Chương trình truyền hình của đài Saigon tối 18 tháng Chạp (20/1) có chiếu phóng sự "Hoa ở Đà Lạt", khiến nhiều khán giả phải lắng lòng nhớ về quê hương. Anh Patrick Nguyễn kể: “Khi xem, mắt vợ tôi đỏ hoe. Bà ấy nhớ lại hồi còn học sư phạm ở đó”. Tết xong, vợ anh sẽ về thăm nhà một chuyến và chắc chắn ghé qua khu chợ Đà Lạt. Đó là nơi trước kia, chị vẫn hay mua đồ về làm cơm ăn chung với các bạn cùng lớp.
Hòa mình trong khí xuân, Tổng hội sinh viên Việt Nam ở Nam California tổ chức ba ngày hội chợ Tết Quý Mùi tại khuôn viên trường Bolsa Grande (thị trấn Garden Grove), đón đồng hương đến vui Tết, với những gian hàng truyền thống, văn hóa phẩm, đồ ăn, trò chơi và các chương trình văn nghệ. Những ngày trước và sau Tết, hầu hết các hội đồng hương An Giang, Bạc Liêu, Quảng Bình, Tây Sơn - Bình Định, v.v... và hội ái hữu các trường như Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trưng Vương, Gia Long, Marie Curie đều họp mặt tất niên để hàn huyên, chúc nhau những lời tốt đẹp nhân dịp đầu năm.
Năm nay, mùng một và mùng hai Tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, người Việt cư ngụ tại Mỹ có thể thoải mái đón xuân mà không lo ảnh hưởng đến công việc thường nhật Luật sư Nguyễn Hữu Công, giám đốc chương trình Little Saigon Radio, mừng vì năm nay ông không phải nói dối để xin nghỉ ở nhà ăn Tết như mọi khi. Ông Công sẽ dành trọn chủ nhật - tức mùng hai Tết - đi thăm bạn, hệt như những ngày Tết khi ông còn ở trong nước.
Một bà cụ giấu tên thì thổ lộ: “Tôi sẽ ăn Tết trên truyền hình”. Chả là nhà cụ có một ăng ten thu hình của đài VTV4 phát đi từ Hà Nội. Hàng ngày, cụ vẫn thích theo dõi chương trình này, vì theo lời cụ, những bộ phim tâm lý, tình cảm xã hội, các chuyên mục nghiên cứu giúp cụ cảm thấy mình như gần với quê hương hơn. Cụ tâm sự: “Tôi đã hai lần về Việt Nam ăn Tết rồi. Năm nay, bên đây làm rầm rộ thật đấy, nhưng không thể nào có được đúng một cái Tết như ở bên nhà đâu”. Còn luật sư Peter Hoàng - chuyên viên địa ốc - vừa từ Việt Nam qua Mỹ hai tuần trước, lại vội vã đáp chuyến bay ngày 22/1 từ San Francisco (California) để về nước ăn Tết: “Tôi sẽ có mặt tại Hà Nội đúng ngày 30 Tết, tức là 29 tháng chạp âm lịch, và về Hưng Yên lễ nhà thờ tổ”.  
Không khí đón xuân thì náo nức như vậy, nhưng những người buôn bán tỏ ra thất vọng vì hàng của họ không được chạy như mong đợi. Chị Suzane Lê, bán quần áo ở khu Phước Lộc Thọ (đường Bolsa), và anh Tom Phạm, bán bánh mứt và đồ khô tại Westminster, cùng nhận xét: “Rõ ràng suy thoái kinh tế đã ảnh huởng đến niềm vui của người Việt”. Đối với nhiều kiều bào ở Mỹ, năm 2002 không phải là một năm “tiền vào như nước”. Một số người thất nghiệp, thua cổ phiếu hay thậm chí phải bán nhà. Chị Suzane còn nói thêm: “Chắc vì số dân mình về nước ăn Tết cũng đông, nên việc mua bán giảm một phần. Nghe nói có đến hơn 300.000 người. Các hãng hàng không Asiana, China, Eva và Cathay đều phải tăng chuyến”.
Tình hình tại chợ hoa cũng không khá hơn. Ở hàng hoa Flowers&Balloons, góc đường Euclid và Westminster (Little Saigon), cô bán hàng than thở: “Khách xem thì nhiều, khách mua thì rất hiếm ông ạ". Một chậu quất cao 1m50, cành xòe ra một ôm tay, giá tới 350 USD. Một cây đào, kích thước tương tự, giá cũng 350 USD. Bát thủy tiên có 3 hoa - bán 15 USD. Một cây bưởi 6 trái giá 95 USD. Một cành hoa mai nhỏ - 10 USD.  
Càng gần Tết, hoa trái đổ về vùng Little Saigon càng nhiều, mặc dù lượng bán ra rất chậm. Đa số khách mua chờ đến ngày tất niên để giá hoa trái hạ xuống thật thấp. Mai vàng vẫn là hiếm nhất và được nhiều người hỏi mua. Vì vậy cuối tuần qua, số chợ kinh doanh mặt hàng này cũng nhiều thêm. Chợ Tân Mai nằm ngay trên đại lộ Bolsa, con đường chính của Little Saigon, đã đón về hàng xe chở hoa các loại. 5 USD là đủ mua một chậu hoa. Những nơi khác như chợ Bolsa, chợ 99, chợ Little Saigon đều rực rỡ sắc màu.
Giới kinh doanh bản xứ cũng không bỏ lỡ cơ hội. Người bán hàng tại chợ Albertson gần Little Saigon cho biết, cửa hàng ông sắp lấy về nhiều hoa cúc vàng, vì họ biết dân Việt hay trưng hai chậu cúc trong nhà. Thường có hai mức giá: loại chậu nhỏ giá 3,99 USD; loại lớn - 8,99 USD. Viên quản lý nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn giữ giá cả như ngày thường trong năm”.
Nhộn nhịp nhất vẫn là những văn phòng chuyển tiền nhanh về nước như Le Gui Tien Le, Hoa Phat, Ba chu A, US Tours, Viet Link. Khách ở đây lúc nào cũng đông. Số tiền gửi về nước trực tiếp hay gián tiếp ước tính có thể lên đến 15 triệu USD - chưa kể số hàng hóa dưới dạng quà như tivi, máy chụp ảnh, tủ lạnh, nồi cơm điện, và tiền các kiều bào về nước mang theo. Cửa hàng Xa mà Gần còn mở dịch vụ mới: Với mức phí 50 USD trả tại Mỹ, họ sẽ đem quà tặng - bánh chưng, rượu, kẹo, và cả hoa - đến tận nhà người nhận ở Việt Nam đúng ngày mùng một Tết.
Đinh Nguyễn (từ California)

No comments:

Post a Comment